viêm da cơ địa là gì? nguyên nhân? chẩn đoán và viêm da cơ địa có chữa được không?
Viêm da cơ địa là một bệnh lý ngoài da thường gặp ở trẻ em, cho đến thời điểm hiện tại, các phương pháp chữa viêm da cơ địa còn gặp nhiều khó khăn vì chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu nào được phát hiện. Viêm da cơ địa có chữa khỏi được không là thắc mắc của nhiều bệnh nhân và người nhà bệnh nhân.
Tóm tắt nội dung
1. Viêm da cơ địa là gì?
Viêm da cơ địa hay chàm (eczema) là tình trạng bệnh lý khiến da ửng đỏ và ngứa. Bệnh thường xảy ra ở trẻ em nhưng cũng có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Viêm da cơ địa là bệnh lý mạn tính kéo dài, có xu hướng bùng phát thành nhiều đợt cấp theo từng giai đoạn. Bệnh có thể xuất hiện cùng với hen phế quản hoặc sốt.
Chữa viêm da cơ địa còn gặp nhiều khó khăn vì chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu nào được phát hiện. Viêm da cơ địa có chữa khỏi được không là thắc mắc của nhiều bệnh nhân và người nhà bệnh nhân, tuy nhiên hiện nay việc điều trị chỉ tập trung vào mục tiêu giảm nhẹ triệu chứng và ngăn ngừa các đợt cấp như tránh dùng chất tẩy rửa, dưỡng ẩm da thường xuyên, bôi thuốc dạng kem hoặc mỡ.
2. Nguyên nhân gây viêm da cơ địa
Một làn da khỏe mạnh sẽ duy trì được độ ẩm và bảo vệ cơ thể người khỏi vi khuẩn, các chất gây kích thích và dị nguyên. Viêm da cơ địa liên quan đến các đặc điểm di truyền ảnh hưởng lên khả năng miễn dịch này của da. Đặc điểm này khiến cho da dễ bị tấn công bởi các tác nhân từ môi trường bên ngoài. Ở trẻ em các dị nguyên đường tiêu hóa như thức ăn cũng có thể là nguyên nhân của bệnh lý viêm da cơ địa.
Yếu tố nguy cơ chính của viêm da cơ địa là có người thân trong gia đình mắc bệnh viêm da cơ địa, dị ứng và hen phế quản.
3. Biểu hiện lâm sàng của viêm da cơ địa
Viêm da cơ địa có các dấu hiệu và triệu chứng lâm sàng khác nhau tùy theo từng người, bao gồm:
- Khô da
- Ngứa, nặng nề hơn về đêm
- Các mảng đỏ hoặc nâu xám ở tay, chân, cổ chân, cổ tay, cổ, ngực, mi mắt, diện khớp khuỷu và gối, mặt và da đầu ở trẻ em
- Mụn nước nhỏ, có thể vỡ và chảy dịch do gãi
- Mảng da dày, có vảy
- Sưng, phù nề da do gãi
Viêm da cơ địa đa số xuất hiện trước 5 tuổi và có thể tồn tại kéo dài đến tuổi thanh thiếu niên và người lớn. Đối với nhiều người, bệnh có thể có những đợt cấp theo từng giai đoạn, sau đó biến mất trong một khoảng thời gian dài, đôi khi nhiều năm.
Phụ huynh cần đưa trẻ đến khám ngay tại các cơ sở y tế nếu:
- Các triệu chứng xuất hiện cản trở hoạt động thường ngày của trẻ, bao gồm cả giấc ngủ.
- Xuất hiện tình trạng nhiễm trùng da với các vảy tiết màu vàng, vùng da xung quanh sưng đỏ hoặc sốt cao.
- Triệu chứng xuất hiện dai dẳng mặc dù đã được điều trị.
Viêm da cơ địa tuy là bệnh lý ngoài da nhưng có thể gây ra nhiều hậu quả khác nhau. Tùy thuộc vào từng biến chứng, bệnh nhân sẽ có các biểu hiện lâm sàng đa dạng như:
- Hen phế quản: Viêm da cơ địa đôi khi là bất thường đi trước, gợi ý bệnh hen. Hơn một nửa trẻ em mắc viêm da cơ địa sẽ đối mặt với bệnh hen sau 13 tuổi.
- Da đóng vảy, ngứa mãn tính: Trẻ vì ngứa mà gãi các mảng đỏ trên da chỉ làm cho tình trạng ngứa nặng nề hơn. Điều này kéo dài sẽ làm da thay đổi màu sắc, dày và sạm.
- Nhiễm trùng da: Do đặc điểm ngứa của bệnh, trẻ thường gãi các vùng da tổn thương và tạo ra các vết thương hở. Từ đó, nguy cơ nhiễm khuẩn do vi khuẩn, vi rút tăng lên, nhất là nhóm virus herpes.
- Rối loạn giấc ngủ: Vòng luẩn quẩn ngứa – gãi làm suy giảm chất lượng giấc ngủ của trẻ.
4. Chẩn đoán bệnh viêm da cơ địa
Các xét nghiệm cận lâm sàng không có nhiều vai trò trong việc chẩn đoán viêm da cơ địa. Bác sĩ sẽ thăm khám lâm sàng, đánh giá tổn thương trên da và khai thác thông tin về tiền sử của bệnh nhân. Test áp da có thể được sử dụng để loại trừ các bệnh lý khác về da hoặc phát hiện các tình trạng đi kèm với viêm da cơ địa.
5. Viêm da cơ địa có chữa khỏi được không?
Bệnh viêm da cơ địa thường kéo dài dai dẳng. Bệnh nhân cần được điều trị trong một khoảng thời gian dài, thường nhiều tháng đến nhiều năm để được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh vẫn có thể tái phát sau đó.
Bệnh viêm da cơ địa hiện chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu. Điều quan trọng cần lưu ý là việc chẩn đoán sớm và điều trị sớm sẽ mang lại nhiều lợi ích. Nếu kem dưỡng ẩm da và các biện pháp tự chăm sóc ở nhà không có hiệu quả, bác sĩ sẽ chỉ định một trong các phương pháp sau:
Thuốc:
- Thuốc dạng kem điều trị ngứa và giúp phục hồi làn da: Thông thường bác sĩ sẽ chỉ định corticoid dạng kem hoặc mỡ bôi trực tiếp lên da, sau bước dưỡng ẩm. Người bệnh cần sử dụng thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ. Lạm dụng thuốc có thể gây ra nhiều tác dụng phụ, trong đó có mỏng da. Một số loại kem khác chứa nhóm thuốc ức chế calcineurin như tacrolimus và pimecrolimus tác động lên hệ miễn dịch cũng được chỉ định sử dụng. Thuốc được sử dụng cho trẻ trên 2 tuổi, bôi trực tiếp lên da sau khi dưỡng ẩm, tránh tiếp xúc với ánh sáng mặt trời khi đang dùng thuốc. Tuy nhiên, các thuốc ức chế calcineurin được nghi ngờ làm tăng khả năng mắc ung thư mặc dù chưa đủ dữ kiện chứng minh.
- Thuốc chống nhiễm trùng: Kháng sinh dạng kem bôi có thể được dùng khi bệnh nhân có biến chứng nhiễm khuẩn da trên nền các vết thương hở.
- Thuốc kháng viêm: Ở một vài trường hợp bệnh nặng, bác sĩ có thể kê đơn thuốc corticosteroid đường uống. Thuốc này có hiệu quả điều trị cao nhưng không được phép sử dụng kéo dài vì nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng.
- Thuốc mới điều trị viêm da cơ địa nặng: Gần đây, tổ chức FDA đã cấp phép sử dụng cho một loại thuốc sinh học đường tiêm có tên gọi là dupilumab. Thuốc được lựa chọn khi bệnh nhân không đáp ứng với các biện pháp điều trị thông thường khác. Tuy nhiên, vì là loại thuốc mới nên chưa có nhiều báo cáo về cơ chế tác động cũng như các tác dụng phụ của nó. Thuốc dupilumab có giá thành khá cao.
Các phương pháp điều trị khác:
- Liệu pháp ánh sáng: Phương pháp này nên được áp dụng cho những bệnh nhân không đáp ứng với biện pháp điều trị tại chỗ hoặc tần suất tái phát bệnh cao. Liệu pháp ánh sáng đơn giản nhất được sử dụng là cho da tiếp xúc với ánh sáng mặt trời. Những loại ánh sáng khác như tia cực tím UVA, UVB cũng được chỉ định sử dụng đơn độc hoặc kết hợp với thuốc.
- Băng ướt: Một phương pháp hiệu quả khác để điều trị bệnh viêm da cơ địa là quấn băng ướt quanh vùng da tổn thương sau khi đã bôi corticoid. Cách này thường được áp dụng cho những bệnh nhân có vùng tổn thương lan rộng và thường được thực hiện trong bệnh viện bởi những điều dưỡng có kinh nghiệm.
Bệnh viêm da cơ địa ở trẻ sơ sinh cần được điều trị bằng:
- Định danh và tránh các tác nhân gây kích thích da
- Tránh để da tiếp xúc với nhiệt độ quá nóng hoặc quá lạnh
- Dưỡng ẩm da cho trẻ bằng dầu, kem dưỡng ẩm hoặc các dạng thuốc mỡ.
6. Dự phòng đợt cấp viêm da cơ địa
Một số điểm cần lưu ý để ngăn ngừa các đợt viêm da cấp và hạn chế tối thiểu tình trạng khô da như:
- Dưỡng ẩm da ít nhất hai lần một ngày: sử dụng kem, mỡ hoặc dung dịch để dưỡng ẩm.
- Xác định các yếu tố gây khởi phát bệnh và tránh tiếp xúc với chúng: một số tác nhân làm nặng hơn tình trạng của bệnh đã được xác định là mồ hôi, bụi, căng thẳng, béo phì, xà phòng, chất tẩy rửa. Trẻ em nên có thể mắc phải các đợt viêm da cấp khi ăn các loại thực phẩm nhất định như trứng, sữa, đậu nành và lúa mì. Cần lưu ý để phát hiện các tác nhân gây dị ứng và tránh sử dụng chúng.
- Rút ngắn thời gian đi tắm: giới hạn thời gian tắm khoảng 10 đến 15 phút, nên dùng nước ấm, thay vì nước nóng.
- Sử dụng xà phòng dịu nhẹ: không nên dùng những loại xà phòng khử mùi và khử khuẩn vì chúng làm mất lớp dầu tự nhiên của da dẫn đến khô da.
- Lau khô sau khi tắm bằng khăn mềm và bôi kem dưỡng ẩm khi da vẫn còn đang ẩm ướt
- Nguồn: europharmas